Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Cùng khám phá bí mật nút bấm trên phanh tay truyền thống của xe hơi

Đoạn dây phanh tay gần bánh xe bị nứt vỏ khiến nước và bụi lọt vào bên trong rất hại cho việc sử dụng cũng như giảm tuổi thọ về lâu dài.



Nhiều người cho rằng việc kéo phanh tay mà không bấm nút sẽ khiến các bánh răng bị hao mòn sau một thời gian sử dụng - đồng nghĩa với việc bạn nên bấm nút ở đầu cần phanh tay trước khi kéo để đảm bảo độ bền cho cơ cấu này.

Liệu hiện tượng phanh tay lỏng hoặc bị "trượt" có liên quan đến việc không bấm nút này?

Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chút ít về cấu trúc cơ bản của hệ thống phanh tay trên các loại xe hơi.  Nếu đã từng ngồi vào ghế lái của xe, người lái hẳn sẽ để ý rằng mỗi khi kéo phanh tay tiếng bánh răng kim loại cà vào nhau vang lên khá ồn ào. Với nhiều người, đây là âm thanh khá... ghê rợn, không khỏi khiến họ nảy sinh tâm lý lo lắng về độ bền của bộ phận này trên chiếc xe hơi đắt tiền.

Với “lái già”, thói quen sử dụng phanh tay là một trong những kỹ năng bắt buộc và cũng thuộc hàng... đơn giản nhất khi chỉ kéo để phanh và bấm-nhả để mở. Ảnh minh họa.

Thực tế, hệ thống phanh tay trên các dòng xe hơi từ trước tới nay đều thuần tuý là cơ cấu cơ học. Mỗi khi tài xế kéo cần phanh tay bên trong xe, thao tác này sẽ kéo hai dây cáp kim loại chạy dọc theo chiều dài thân xe tới cùm phanh (thường là bánh sau).

Khi đó, cùm phanh sau sẽ ép hai má phanh vào đĩa (hoặc ép má phanh vào trục trên phanh tang trống) tương tự như khi bạn đạp phanh chính của xe. Ở góc độ nào đó, nó khá giống với cơ cấu phanh trên xe máy và xe đạp. Dĩ nhiên, do là cơ cấu cáp nối trực tiếp không thông qua hệ thống trợ lực dầu nên lực ép của phanh tay thường chỉ đủ giữ xe đứng yên chứ không có nhiều tác dụng khi xe đang chạy.

Về mặt cơ khí, mỗi khi bạn bấm nút ở đầu tay phanh, cơ cấu phanh sẽ mở một lẫy hãm kim loại như hình trên, cho phép tay phanh có thể được hạ về vị trí mở. Cũng chính lẫy này là thứ tạo ra tiếng động khi nhảy qua các bánh răng mỗi khi tay phanh được kéo lên vị trí khoá mà không bấm nút.

Về lý thuyết, sự va chạm giữa các chi tiết kim loại như vậy hoàn toàn có thể gây ra hiện tượng hao mòn sau một thời gian dài sử dụng. Tuy nhiên, thực tế, độ hao mòn lại không đủ lớn để bạn phải lo lắng. Tại sao lại như vậy?

Nguyên tắc cơ bản của hệ thống phanh tay trên xe hơi.

Trên thực tế, mức độ hao mòn kim loại do xảy ra chủ yếu dưới sự tác động từ nhiệt sinh ra bởi lực ma sát chứ không đơn thuần chỉ là bởi sự tiếp xúc của kim loại. Như thế, nếu nhiệt độ không lên cao (do khoảng hành trình ngắn với lực không lớn) cũng đồng nghĩa với độ hao mòn là không đáng kể. Đó là chưa kể tới các loại mỡ bôi trơn cũng giúp giảm ma sát ở bánh răng đi rất nhiều.

Vậy còn hiện tượng cần phanh tay bị lỏng hoặc phanh không bám thì sao?

Khi bấm nút, lẫy này sẽ được nhả ra - cho phép phanh trả về vị trí mở.

Thực tế, dù nhiều người dùng rất cẩn thận trong việc bảo dưỡng xe nhưng vẫn có những góc khuất mà họ ít khi để ý tới. Và cơ cấu phanh tay chính là một phần trong đó. Sau một thời gian dài sử dụng với bụi bặm và nước, với tính chất thuần cơ học của mình, việc phanh tay xuống cấp là không thể tránh khỏi.

Những hiện tượng thường gặp chủ yếu có liên quan đến dây phanh như kẹt (thường là một trong hai dây) khiến phanh không ăn hết hoặc không nhả hết; tuột dây hoặc dãn dây khiến phanh không bám tối ưu; mất độ bôi trơn khiến thao tác kéo phanh rất nặng nề; thậm chí là đứt dây phanh bất ngờ do rỉ sét rất nguy hiểm.

Độ ăn mòn thường là không đáng kể, đủ cho bạn sử dụng hàng chục năm mà không lo lắng gì.

Chính vì thế, mỗi chủ xe cũng nên hình thành thói quen kiểm tra dây phanh tay sau mỗi 10.000 km hoặc hai năm để đảm bảo khả năng vận hành hoàn hảo của nó. Việc bôi trơn đường dây cũng như siết lại các ốc hãm cũng giúp cho thao tác với cần phanh chuẩn mực và êm ái hơn.

Với những xe đã di chuyển trên 100.000km, bạn cũng nên tính tới chuyện thay thế dây phanh tay để bảo đảm an toàn. Chi phí cho phụ tùng này thường không quá đắt - đặc biệt là khi so với giá trị an toàn mà nó mang lại.

Đoạn dây phanh tay gần bánh xe bị nứt vỏ khiến nước và bụi lọt vào bên trong rất hại cho việc sử dụng cũng như giảm tuổi thọ về lâu dài.

Nhìn chung, tài xế có thể yên tâm rằng kết cấu cơ học của cần phanh tay trên xe luôn có đủ độ bền để "sống chung" với chiếc xe suốt vòng đời của nó. Nói cách khác, nếu thực sự bạn "đủ sức" để làm mòn bộ phận này tới mức hỏng, chắc chắn chiếc xe sẽ còn trong tình trạng tệ hơn nhiều và thậm chí là... chẳng chạy nổi để cần tới phanh tay làm gì cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét